Hàng trăm bình oxy được sản xuất “3 tại chỗ” và khử khuẩn tại các nhà máy của Công ty Messer ở Quảng Ngãi, Bình Dương… để chuyển đến các cơ sở y tế cả ngày lẫn đêm.
Toàn cảnh tổ hợp nhà máy Messer tại Dung Quất (Quảng Ngãi), một trong hai nhà máy sản xuất khí công nghiệp lớn nhất Việt Nam với công suất gần 100 tấn mỗi ngày.
Quy trình sản xuất tại đây được thực hiện khép kín, khí tự nhiên sau khi được hút vào qua một lớp lọc sẽ được chuyển qua làm mát, loại bỏ các tạp chất, làm lạnh sâu trước khi được đưa vào tháp tách khí. Tại tháp, khí sẽ được phân tách theo nguyên lý chưng cất để phân tách các khí oxy, nitơ, argon… Các khí này sẽ tồn tại ở hai dạng khí và khí hóa lỏng. Ảnh: Messer tại Việt Nam.
Công nhân bơm khí hóa lỏng vào các xe bồn, sau đó vận chuyển đến các nhà máy, trạm chiết nạp trên khắp cả nước. Mỗi xe chứa từ 16 đến 22 m3 và được vận chuyển trong 24h tùy điều kiện thực tế. Ảnh chụp trước thời điểm dịch: Messer tại Việt Nam.
Xe bồn chở khí lỏng tập kết tại nhà máy chiết nạp khí ở TP Thuận An, Bình Dương hôm 22/7. Khi sử dụng, khí lỏng trong các bồn sẽ được hóa hơi trở lại và bơm vào các chai khí nén để tiêu thụ.
Trong nhà xưởng, 30 công nhân, kỹ thuật, tài xế… tất bật chiết nạp và vận chuyển các bình chứa khí. Họ được công ty bố trí sản xuất, ăn ở và nghỉ ngơi tại chỗ một tháng nay.
Ông Nguyễn Văn Phương, Giám sát sản xuất Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam tại Bình Dương cho biết, mỗi ngày nhà máy cung cấp ra thị trường 400 đến 800 bình oxy với hai 2 loại dung tích 6 m3 và 10 m3.
“Hiện các đơn hàng ngành kinh doanh khí khác vẫn ổn định, riêng đơn hàng oxy y tế có sự gia tăng. Một tháng qua, chúng tôi đã chuẩn bị việc ăn ở, làm việc tại chỗ để dịch không xâm nhập vào nhà máy, vừa đảm bảo sức khỏe nhân viên để dồn sức sản xuất oxy y tế cho các tỉnh phía Nam”, ông Phương nói.
Hệ thống chiết nạp khí được thực hiện bằng công nghệ khép kín, với máy móc hiện đại.
Anh Dương Ngọc Thọ dùng đèn để soi bên trong từng bình khí. “Nếu bình còn ướt, phải sấy cho khô trước khi nạp, để đảm bảo an toàn”, nam công nhân nói.
Anh Thọ gắn các bình vào hệ thống ống sấy trước khi chiết nạp khí.
Nam công nhân cho biết những bình khí luôn được bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ 2 hoặc 5 năm tùy theo tuổi thọ.
Anh Tong, chuyên gia người Thái Lan kiểm tra chất lượng khí trong từng bình bằng máy đo độ ẩm và máy phân tích khí oxy. Những bình đạt chất lượng sẽ được đánh dấu.
Ông Nguyễn Văn Bắc (51 tuổi) phun hóa chất khử khuẩn từng bình khí trước khi chở đi tiêu thụ.
“Bữa nay dịch bệnh phức tạp nên các bình khí ra vào công ty đều phải khử khuẩn để đảm bảo an toàn”, công nhân gắn bó 16 năm với nghề cho biết.
Những bình khí được cẩu lên xe tải để giao đến các cơ sở y tế.
Theo lãnh đạo công ty, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục phức tạp sẽ nâng cao công suất lên gấp đôi để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn và các tỉnh thành phía Nam.
Ngoài được tiêm vaccine, các tài xế chở bình khí khi ra vào công ty đều phải phun khử khuẩn để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ba ngày một lần, tất cả nhân viên được test nhanh Covid-19.
Xe chở bình oxy giao cho các cơ sở y tế ở miền Nam.
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 19/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết gần 1.000 cơ sở y tế đủ đáp ứng yêu cầu điều trị 66.000 ca Covid cần hỗ trợ thở oxy. Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất, yêu cầu tăng tổng công suất hơn 851.000 m3 khí mỗi ngày lên gấp đôi, dự trữ oxy và khả năng phân phối.
Người dân được khuyến cáo không tích trữ máy thở, bình khí oxy vì lãng phí do không thể tự sử dụng, có thể gây khan hiếm nguồn cung trên thị trường.
Thành Nguyễn
Nguồn: https://vnexpress.net/
Comments are closed.